- Thời gian gần đây thị trường đang chứng kiến “trào lưu” thay đổi tên, logo và nhận diện thương hiệu của nhiều ngân hàng, ông đánh giá vấn đề này như thế nào ?
Ở VN, mọi người hay ví đổi nhận diện thương hiệu như việc “thay áo mới” tuy nhiên “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Thay đổi nhận diện không chỉ nằm ở thay tên, thay logo mà gắn với chiến lược phát triển, tầm nhìn phát triển của tổ chức trong từng giai đoạn.
Quy trình xây dựng nhận diện thương hiệu mới bắt đầu bằng việc định vị lại thương hiệu, xác định chiến lược, tầm nhìn, mục tiêu phát triển của tổ chức. Các đơn vị xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp đều phải thực hiện nghiên cứu thị trường, định vị và phân khúc khách hàng, tìm hiểu nhu cầu của từng phân khúc, phỏng vấn lãnh đạo cao cấp, tầm trung và nhân viên của tổ chức để không bị lệch hướng. Logo đẹp hay xấu chỉ là bên ngoài, còn ẩn sau logo, tên thương hiệu là cả chiến lược phát triển trung và dài hạn. Xây dựng thương hiệu luôn cần làm bài bản, không thể đi tắt.
- Phải chăng TienPhong Bank cũng đang chạy theo “trào lưu” này để PR cho tên tuổi của mình ?
Cá nhân tôi tin, không một ngân hàng nào đổi logo, thay tên, thay nhận diện thương hiệu theo trào lưu, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh ngân hàng vì đây là việc này rất “tốn kém” và “đau đầu”.
Sau 5 năm thành lập và phát triển, Ngân hàng TMCP Tiên Phong đã gặt hái được những thành quả nhất định, đã vượt qua nhiều thách thức, gian khó để vươn lên tầm cao mới, xác lập một vị thế mới để thực hiện sứ mệnh và tầm nhìn trong chiến lược dài hạn để trở thành một ngân hàng uy tín, lành mạnh, tầm cỡ hàng đầu trong hệ thống các tổ chức tín dụng VN.
Hơn nữa, là người đi sau, khi thị trường khá chật chội, chúng tôi đứng trước áp lực phải xây dựng cho mình nhận diện thương hiệu khác biệt, mang nét riêng của TPBank so với các ngân hàng bạn.
Logo đẹp hay xấu chỉ là bên ngoài, còn ẩn sau logo, tên thương hiệu là cả chiến lược phát triển trung và dài hạn. |
TPBank đã trăn trở suy nghĩ, nghiên cứu, lựa chọn từ rất nhiều các phương án khác nhau, cùng với sự hợp tác củacác tên tuổi hàng đầu về xây dựng và phát triển thương hiệu như Saatchi&Saatchi, DDB, Clipper, Dizen mới hoàn thành được bộ nhận diện này.
- Vậy sự khác biệt trong việc xây dựng thương hiệu của TienPhong Bank như thế nào, thưa ông ?
TPBank luôn định vị làmột ngân hàng năng động, sáng tạo, mang đậm chất công nghệ, luôn hướng tới khách hàng và coi trọng sự minh bạch, hiệu quả và bền vững trong hoạt động.
Biểu tượng mới của TPBank có dạng hình tam giác –một hình khối cơ bản và phổ biến trong tự nhiên,với 3 đỉnh, 3 chân, thể hiện sự chắc chắn, bền vững. Hình tam giác này được thể hiện dưới dạng một đường xoắn bất tận, thể hiện sự vận động không ngừng nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định, trường tồn. Hình tam giác bên trong biểu tượng trông tương tự như nút điều khiển, hàm ý cho sự sẵn sàng, luôn thích ứng của ngân hàng trong thị trường tài chính nhiều biến động. Hình tam giác này cũng trong suốt, thể hiện ngân hàng luôn hướng tới sự phát triển minh bạch và bền vững.
Hình tam giác khép kín với 3 đỉnh cũng thể hiện 3 tiêu chuẩn trong phong cách phụcvụ mà TPBank luôn hướng tới: chuyên nghiệp - sáng tạo - hướng đến khách hàng.
Về tên gọi, Chúng tôi vẫn giữ nguyên tên Ngân hàng TMCP Tiên Phong, nhưng thay đổi tên giao dịch TienPhong Bank , rút gọn lại thành TPBank. Trong biểu tượng mới chữ TPBank được thiết kế đơn giản, khỏe khắn, tạo cảm giác vững vàng, tin cậy.
Tên thương hiệu với chữ TPBank được thể hiện bằng màu tím. Chúng tôi chọn màu tím để tìm tới sự khác biệt với các nhận diện thương hiệu đã có trên thị trường. Màu tím thể hiện sự tin cậy, sang trọng và hoàn hảo, đồng thời thể hiện mối quan hệ khăng khít gắn bó giữa khách hàng và ngân hàng. Tuy nhiên chúng tôi muốn hướng tới sự thay đổi toàn vẹn hơn, hình thành tình yêu mến sâu sắc giữa khách hàng và ngân hàng. Tình yêu mến, trân trọng được xây dựng trên nền tảng của sự hiểu biết lẫn nhau. Chính vì thế TPBank chọn tuyên ngôn thương hiệu: "Vì chúng tôi hiểu bạn"- "A deeper understanding", hiểu để sẻ chia, hiểu để đồng hành và giúp đỡ, hiểu để không ngừng tự hoàn thiện.
- Ông kỳ vọng việc “thay áo mới” lần này sẽ góp phần quan trọng như thế nào trong tiến trình phát triển của ngân hàng ?
Xin khẳng định, chúng tôi không khoác lên tấm áo mới mà ban lãnh đạo TPBank hướng đến sự thay đổi về chất hơn là vẻ bề ngoài. Ngân hàng là ngành kinh doanh dịch vụ nên yếu tố con người đóng vai trò tiên quyết. Chúng tôi đang triển khai các chiến dịch marketing nội bộ song song với hoạt động marketing bên ngoài, mỗi cán bộ nhân viên TPBank phải là người hiểu khách hàng hơn ai hết, hiểu để sẻ chia cùng khách hàng, đồng hành dài lâu và mang đến giải pháp tài chính tối ưu nhất cho khách hàng. Làm được điều này, TPBank mới có thể tạo nên giá trị khác biệt.
- Là chuyên gia trong lĩnh vực thương hiệu, ông có thể so sánh cách làm thương hiệu của DN VN và DN quốc tế?
Quy trình “làm thương hiệu” ở đâu cũng đều giống nhau, nhưng dựa trên tình hình thực tế và ngân sách của mỗi tổ chức mà cách làm có thể khác nhau. Làm thương hiệu không thể tiết kiệm và không được nôn nóng. Theo kinh nghiệm của tôi cần xác định rõ mục tiêu, có thông điệp truyền thông tối ưu và lựa chọn kênh quảng cáo phù hợp ngân sách đưa ra và kiên trì thực hiện chiến dịch. Không chỉ ngân hàng nước ngoài mà hầu hết các thương hiệu thành công đều phải chi rất lớn cho xây dựng thương hiệu và quảng cáo.
Mặc dù không có nghiên cứu thị trường chi tiết nhưng đánh giá cá nhân tôi thấy tất cả các ngân hàng VN thực hiện xây dựng nhận diện thương hiệu mới hay tái định vị thương hiệu đều thành công ở nhiều góc độ. Hầu hết ngân hàng dù thuê Cty nước ngoài hay trong nước đều có Bộ nhận diện thương hiệu quy chuẩn, tạo ra không gian, phong cách giao dịch khá văn minh hiện đại. Điều này là thách thức khi TPBank bắt tay vào xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mới.
- Xin cảm ơn ông !