Sửa Luật Thuế TNDN để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ảnh minh họa: H. Tuấn
20 năm đưa Việt Nam trở thành điểm thu hút đầu tư
Luật thuế TNDN được thông qua ngày 3/6/2008 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XII có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009 để thay thế cho Luật thuế TNDN năm 2003. Từ đó đến nay, Luật thuế TNDN đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2013 và năm 2014 để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn.
Thực tế phát triển trong các giai đoạn đã qua cho thấy, ưu đãi thuế TNDN đang là công cụ quan trọng trong việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh cũng như thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Để phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, chính sách ưu đãi thuế TNDN của Việt Nam trong gần 20 năm qua cũng đã có những điều chỉnh theo từng giai đoạn và đã góp phần phát huy hiệu quả tích cực về khuyến khích sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của từng thời kỳ.
Nếu như trước năm 2009, số lượng lĩnh vực được hưởng ưu đãi có tới 79 nhóm lĩnh vực và 54/61 địa phương được áp dụng ưu đãi thì kể từ năm 2009, số lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo pháp luật về đầu tư, số lĩnh vực được ưu đãi thuế TNDN đã được thu gọn hơn, còn 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề được ưu đãi, trong đó 23 nhóm lĩnh vực được áp dụng mức ưu đãi cao nhất, 07 nhóm lĩnh vực áp dụng mức ưu đãi thấp hơn.
Với những điều chỉnh, bổ sung về chính sách ưu đãi thuế cùng với những cải cách, thúc đẩy môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước.
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên nhiều phương diện, trong đó có yếu tố chính sách ưu đãi thuế, nhất là thuế TNDN. Kết quả thể hiện ở nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không ngừng tăng lên qua các năm, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư kể cả trong những giai đoạn khó khăn của thế giới và khu vực.
9 nội dung đang cần sửa đổi
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng để đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời tạo hành lang pháp lý cho việc tham gia các sáng kiến về thuế quốc tế, Luật TNDN cần được cập nhật các quy định mới.
Trên cơ sở báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội và từ tổng kết đánh giá công tác quản lý thuế TNDN, Bộ Tài chính đã tiến hành tổng kết, đánh giá toàn bộ nội dung của Luật thuế TNDN. Luật thuế TNDN hiện hành được thiết kế gồm 4 Chương 20 Điều, trong đó: Chương I quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 5); Chương II quy định về căn cứ và phương pháp tính thuế (từ Điều 6 đến Điều 12); Chương III quy định về ưu đãi thuế (từ Điều 13 đến Điều 18); Chương IV quy định về điều khoản thi hành (Điều 19, Điều 20).
Qua kết quả rà soát có 05 Điều của Luật thuế TNDN không phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện, đó là Điều 1, Điều 3, Điều 5, Điều 6 và Điều 15; có 11 Điều có phát sinh vướng mắc cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung rơi vào Điều 2, Điều 4, Điều 7, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 16, Điều 17 và Điều 18. Ngoài ra, 02 Điều 8 và 9 quy định tại Luật giao thẩm quyền cho Chính phủ hướng dẫn, sau một thời gian thực hiện ổn định cũng cần nghiên cứu để từng bước luật hóa nhằm đảm bảo sự ổn định của chính sách. Hiện nay có 9 nội dung vướng mắc chủ yếu liên quan đến thu nhập miễn thuế; xác định thu nhập tính thuế; thuế suất; phương pháp tính thuế; nơi nộp thuế; ưu đãi thuế; chuyển lỗ; trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; và điều kiện ưu đãi thuế.
Cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2030
Bộ Tài chính cho biết, việc sửa Luật lần này nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2030. Đồng thời, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; phù hợp với xu hướng cải cách thuế TNDN của quốc tế và đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước. Ngoài ra, chính sách thuế TNDN mới nhắm đến mục tiêu góp phần tạo điều kiện thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; rà soát, sắp xếp lại chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực và địa bàn ưụ tiên theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Thực hiện ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp có quy nhỏ, khuyến khích hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp để nuôi dưỡng và tạo nguồn thu trong tương lai.
Để đạt được các mục tiêu sửa đổi Luật thuế TNDN nêu trên, Bộ Tài chính dự kiến lần sửa đổi này sẽ tập trung giải quyết 4 nhóm chính sách lớn, bao gồm: Mở rộng cơ sở thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp thông lệ quốc tế thông qua việc điều chỉnh phạm vi, đối tượng, rà soát chính sách miễn, giảm thuế; Sửa đổi, bổ sung các nội dung của Luật thuế TNDN nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; Sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; Sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển.
Đáng chú ý, nhóm chính sách sửa đổi, bổ sung các nội dung của Luật thuế TNDN nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế được dư luận quan tâm.
Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về các khoản thu nhập được miễn, giảm thuế. Cụ thể, bổ sung quy định miễn thuế đối với: khoản hỗ trợ từ NSNN; thu nhập từ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu sử dụng NSNN, thu nhập từ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN tại địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập từ tiền lãi từ trái phiếu xanh và thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh; thu nhập từ khoản bồi thường của Nhà nước; thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi trái phiếu Chính phủ, lãi tín phiếu Kho bạc của các Quỹ tài chính nhà nước và quỹ khác của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Đồng thời, bổ sung quy định giảm thuế phải nộp tương ứng với phần thu nhập từ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN tại địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn; bổ sung quy định rõ về tiêu chí đối với phần thu nhập không chia của cơ sở xã hội hóa đang được miễn thuế hiện hành…
Về thời gian sửa Luật, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024).
Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024). Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025)./.
Kim Chung