banner-sapuwa
banner-quang-cao-2

Nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp được xây dựng trong năm 2023

Ngày đăng 08/01/2023 01:23:14

Chiều 30/12, Vụ Chính sách thuế tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Nguyễn Quốc Hưng chủ trì Hội nghị.


Toàn cảnh Hội nghị

Năm 2022: Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ miễn giảm thuế

Báo cáo về kết quả công tác năm 2022, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Trương Bá Tuấn cho biết, sau đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, nhiều quốc gia đã thực hiện mở cửa, song do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine cùng với những hậu quả của dịch Covid-19, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo trước đó, lạm phát ở nhiều nước tăng cao, giá dầu và một số hàng hóa quan trọng biến động mạnh.

Trong nước, nền kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các hoạt động văn hóa - xã hội dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng, nhất là giá xăng dầu, nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Trong bối cảnh này, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển, căn cứ Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ; Vụ Chính sách thuế (CST) đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác được giao, góp phần vào sự thành công của Bộ, của ngành Tài chính trong việc thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Chính phủ cũng như trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm 49 đề án (13 đề án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH; 08 đề án thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (TTgCP); 28 đề án thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính).

Trong đó, đáng chú ý là các chính sách, giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất dự kiến giảm thu NSNN khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, dự kiến giảm thu NSNN khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kể từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/05/2022 dự kiến doanh nghiệp, người dân sẽ được giảm nghĩa vụ khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp dự kiến giảm thu NSNN khoảng 1,9 nghìn tỷ đồng…. Bên cạnh đó, việc giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí cũng giúp doanh nghiệp, người dân được giảm khoảng 900 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến thực hiện các giải pháp nêu trên trong năm 2022 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí lên tới hơn 233 nghìn tỷ đồng (Số tiền được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; Số tiền được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng).

Đặc biệt, các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn nêu trên đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.

Thực tế cho thấy, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao, qua đó góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế trong thời gian qua.

Các cơ chế, chính sách do Vụ CST chủ trì soạn thảo trình các cấp có thẩm quyền ban hành đã bảo đảm góp phần ổn định thu NSNN, đáp ứng các cam kết hội nhập quốc tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; khuyến khích sản xuất kinh doanh phát triển, khích lệ tinh thần và tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời tạo ra tác động lan tỏa lớn đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Phương hướng năm 2023

Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ CST Nguyễn Quốc Hưng, đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên liên tục của các các đồng chí Lãnh đạo Bộ; sự tận tụy, trách nhiệm cao, chủ động khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của tập thể lãnh đạo, công chức Vụ CST; sự tích cực tham gia phối hợp của các đơn vị liên quan trong Bộ. Đây là những yếu tố quyết định sự thành công và là bài học quan trọng nhất trong công tác hoạch định chính sách thuế, phí và lệ phí trong năm 2022.

Bên cạnh những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra nêu trên, công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách thuế, phí và lệ phí cũng còn một số hạn chế và tồn tại về phân tích, dự báo tác động của chính sách chưa được đầy đủ như mong muốn.

Chia sẻ về phương hướng xây dựng CST trong năm 2023, Vụ trưởng Vụ CST Nguyễn Quốc Hưng nhận định, trong bối cảnh kinh tế và xu hướng điều chỉnh chính sách của các nước trong khu vực và trên thế giới, cần tiếp tục bám sát các mục tiêu và giải pháp đã đặt ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW, Văn kiện Đại hội Đảng 13 về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, Chiến lược cải cách hệ thống đến năm 2030 tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của TTgCP.

Theo đó, trong năm 2023, Vụ CST sẽ xây dựng các dự án như: dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi), dự án Luật thuế GTGT (sửa đổi), dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) và thực hiện các đề án phát sinh khác theo chỉ đạo để phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, Vụ CST sẽ hoàn thiện các VBQPPL về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản; Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan; quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ; phí BVMT đối với khí thải; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí…

Trong năm 2023, dự kiến sẽ có 16 Thông tư quy định về phí, lệ phí đang triển khai và dự kiến khoảng 10 Thông tư sẽ phát sinh thêm trong năm 2023./.

Kim Chung

Theo: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/tttc/pages_r/l/chi-tiet-tin-tin-tuc-tai-chinh?dDocName=MOFUCM261290
Ngày đăng 08/01/2023 01:23:14
1 views
Các tin khác
«   12345  »
Trang chủDanh bạ doanh nghiệpSở hữu trí tuệVăn bản pháp lýChương trình thương hiệuThông tin doanh nghiệp