
TRẢI QUA GẦN 70 NĂM VỚI NHỮNG HOẠT ĐỘNG VÔ CÙNG PHONG PHÚ VÀ SÔI NỔI, TỪ KHI CÒN LĂN LỘN VỚI PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở QUÊ HƯƠNG CHO ĐẾN KHI TRỞ THÀNH MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM, CUỘC ĐỜI CỦA CỐ THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT GẮN LIỀN VỚI NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG ĐẤU TRANH ĐẦY GIAN KHỔ, HI SINH NHƯNG RẤT ĐỖI VẺ VANG, OANH LIỆT CỦA ĐẢNG VÀ NHÂN DÂN TA. TRONG MỖI CHẶNG ĐƯỜNG HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG, THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT ĐỀU ĐỂ LẠI NHỮNG DẤU ẤN ĐẬM NÉT, NHƯNG NỔI BẬT HƠN CẢ LÀ NHỮNG DẤU SON RẤT SÂU ĐẬM, TRONG GIAI ĐOẠN ÔNG LÃNH ĐẠO CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC Ở NHỮNG THẬP NIÊN CUỐI THẾ KỈ VỪA QUA.
NGƯỜI DŨNG CẢM “XÉ RÀO” MỞ RA CON ĐƯỜNG ĐỔI MỚI
Những năm trước đổi mới, đất nước ta lúc đó lâm vào tình trạng hiểm nghèo: sản xuất đình đốn, hàng hóa khan hiếm, lạm phát rất cao, dân tình thiếu đói, đời sống ngày càng khó khăn và dẫn tới sự khủng hoảng về kinh tế - xã hội. Lúc này nước ta còn bị cấm vận, bị bè lũ Khmer đỏ và bành trướng Trung Quốc tấn công, đánh phá biên giới và sau đó là sự sụp đổ của Liên Xô và khối các nước Đông Âu... Tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi đồng chí Võ Văn Kiệt làm Phó Bí thư (sau đó là Bí thư) Thành ủy và là Chủ tịch UBND thành phố, tình hình cũng ngày một gay gắt thêm, nguyên vật liệu dự trữ cạn dần, sản xuất ngưng trệ sau đợt cải tạo công thương nghiệp, nhiều công nhân phải nghỉ việc, lần đầu tiên, dân Sài Gòn phải ăn độn khoai mì, bo bo...
Là một người mang lý tưởng chiến đấu vì dân, trước tình hình ấy, đồng chí Sáu Dân Võ Văn Kiệt vô cùng bức xúc và ngày đêm trăn trở cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn. Đầu tiên là quyết định có tính “xé rào” là tổ chức thu mua lương thực với giá sát thị trường ở đồng bằng sông Cửu Long về cứu đói cho mấy triệu dân Sài Gòn, trong bối cảnh ngặt nghèo của lệnh ngăn sông cấm chợ. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh chắc còn nhớ những khó khăn về lương thực những năm 1977 - 1980 mà mình trải qua. Sự khan hiếm lương thực không phải do mất mùa mà do Nhà nước độc quyền thu mua gạo với giá quá thấp, không đủ chi phí sản xuất nên nông dân không bán. Đồng thời Nhà nước còn lập nhiều trạm kiểm soát không cho đem lương thực lên thành phố. Kết quả là Công ty lương thực Thành phố không đủ gạo bán cho dân, phải bán kèm khoai, bo bo, mì để dân ăn độn. Mặt khác, do bán theo chế độ cung cấp với giá thấp, cho nên Nhà nước phải bù lỗ rất lớn cho ngành lương thực.
Trước tình trạng nghịch lý, lúa đầy đồng, dân thiếu gạo ăn, Nhà nước lại phải bù lỗ, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã cấp bách đề ra những chủ trương, biện pháp giải quyết khó khăn. Cuối năm 1978, thành phố Hồ Chí Minh cho thành lập Tổ thu mua lương thực theo giá thỏa thuận (sau đó phát triển thành Công ty kinh doanh lương thực Thành phố) do chị Ba Thi
đứng đầu. Kết quả vượt ngoài mọi sự tưởng tượng. Nông dân đã ùn ùn đem gạo đến các “chốt” bán cho Tổ thu mua lương thực; hàng ngày có từ vài chục đến hàng trăm xe chở gạo từ các tỉnh đổ về thành phố. Cuối năm 1978, thành phố Hồ Chí Minh đã đủ đầy về lương thực và năm 1981, đoàn xe của Công ty kinh doanh lương thực còn chở hơn 2.000 tấn gạo chi viện cho nước bạn Campuchia. Chủ trương thu mua lương thực theo giá thỏa thuận và phân phối lương thực hợp lý là sự vận dụng đúng quy luật giá trị của kinh tế hàng hóa, thổi luồng sinh khí mới mẻ vào việc thúc đẩy sản xuất lương thực ở Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ, góp phần vào việc phát triển sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu gạo ở mấy năm sau.
Tiếp theo đó là chủ trương cho các nhà máy, xí nghiệp... “bung ra” tự chủ trong sản xuất, kinh doanh. Đây là giải pháp có tính đột phá để giải phóng sức sản xuất trước sự trói buộc của cơ chế quan liêu, bao cấp, kế hoạch hóa đang ngự trị lúc bấy giờ. Để có được những giải pháp táo bạo nói trên, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn quán triệt quan điểm thực tiễn. Ngoài việc tạo được sự thống nhất của tập thể lãnh đạo thành phố, đồng chí đã lăn lộn với thực tế ở cơ sở là các nhà máy, xí nghiệp, công trường,... lắng nghe nguyện vọng và ý kiến của quần chúng, đặc biệt là giới trí thức, các nhà chuyên môn, trong đó không ít người thuộc diện “tại chỗ”

vốn thuộc chế độ cũ. Bằng sự chân tình, cởi mở và trân trọng của mình, ông đã thu phục được nhân tâm, quy tụ được nhiều nhân tài trong những Câu lạc bộ giám đốc, Văn phòng kinh tế của Thành ủy và chủ trương này đã được ông quán triệt, phát huy suốt thời kì lãnh đạo đất nước những năm sau. Sức mạnh của quần chúng còn được phát huy qua các phong trào ra quân sôi nổi của tuổi trẻ thành phố thực hiện các công trình dân sinh, xây dựng những nông trang, nông trường và các cuộc vận động nhân dân góp công góp sức thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” khá sôi nổi, lúc đó đều là chủ trương của Thành ủy và người đứng ra phát động là Bí thư Võ Văn Kiệt.
Chỉ một thời gian ngắn, tình hình kinh tế xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ổn định, sản xuất hàng hóa phát triển, nhiều khó khăn được tháo gỡ đã tạo nên bầu không khí phấn khởi, tin tưởng trong nhân dân. Những chủ trương và biện pháp có tính đột phá mà thành phố Hồ Chí Minh tiến hành những năm đầu sau giải phóng rất phù hợp với Nghị quyết Trung ương, tháng 08.1979. Thực hiện Nghị quyết Trung ương, Bí thư Võ Văn Kiệt tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng và ra quyết định về cơ chế tổ chức xí nghiệp công nghiệp (tháng 11.1981) xây dựng những mô hình tiên tiến với cung cách làm ăn mới, có hiệu quả. Đồng thời, tiểu cải tiến trong chính sách phân phối, lưu thông, xuất nhập khẩu, giá cả thị trường... tạo nên sự biến chuyển toàn diện, đưa thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu kinh tế và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội khá ảm đạm của nước ta lúc bấy giờ. Khi đánh giá về sự thành công này, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng: những chủ trương, giải pháp, những quyết sách hết sức năng động có tính đột phá và đem lại hiệu quả cao do đồng chí Võ Văn Kiệt và Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh triển khai, tổng kết không chỉ thổi bùng luồng sinh khí mới, tạo đà cho Thành phố Hồ Chí Minh bước vào thời kì phát triển năng động mà còn có ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan trọng, góp phần không nhỏ làm thay đổi tư duy kinh tế, tạo cơ sở bước đầu cho sự hình thành đường lối đổi mới của Đảng tại Đại hội VI mấy năm sau. Quay lại lịch sử thời chống Mỹ vào năm 1959, khi cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, đồng chí Võ Văn Kiệt được cử làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Với cái nhìn bao quát, toàn diện, thấy cần có sự chỉ đạo thống nhất giữa phong trào cách mạng nội và ngoại thành, đồng chí đã đề nghị với Trung ương cho sáp nhập Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn với Đảng bộ Gia Định thành một Đảng bộ thống nhất lấy tên là Đảng bộ khu Sài Gòn - Gia Định và nhanh chóng vạch ra kế hoạch đồng khởi giải phóng 30 xã nối liền với vùng giải phóng Tây Ninh, xây dựng lực lượng vũ trang và phong trào đấu tranh của quần chúng trên khắp địa bàn. Đến năm 1961, Quân khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập, hệ thống tổ chức quân sự hoàn thiện từ Quân khu đến cơ sở. Do đó, mà trong “Chiến tranh đặc biệt” và thời kì đầu “Chiến tranh cục bộ”, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã lập nhiều chiến công và chuẩn bị tốt cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Có được thành tích trên là do sự lãnh đạo của Đảng và sự năng động, linh hoạt, sáng tạo của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, đứng đầu là đồng chí Võ Văn Kiệt. Như vậy, có thể thấy, sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm để vượt qua khó khăn, thử thách, giành thắng lợi là một phẩm chất vốn có từ trước của nhà lãnh đạo Võ Văn Kiệt.
Năm 1982, tại Đại hội lần thứ V của Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu vào Bộ Chính trị và nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Là một người luôn coi trọng quan điểm thực tiễn, đồng chí Võ Văn Kiệt đã dành hẳn một năm xuống cơ sở, các tỉnh, huyện, xã và cả các hợp tác xã ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, nơi không phải là địa bàn ông đã lãnh đạo,để nắm tình hình kinh tế - xã hội và việc xây dựng, thực hiện kế hoạch ở địa phương. Từ thực trạng được khảo sát, ông đã chỉ ra những khuyết điểm của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp không chỉ là ở việc đề ra những chỉ tiêu có tính hình thức, duy ý chí mà nó còn buộc các cấp dưới thực hiện một cách máy móc, triệt tiêu mọi sáng kiến, sáng tạo của quần chúng.Ông đã đề xuất một số giải pháp đổi mới công tác kế hoạch hóa như xây dựng chỉ tiêu phải xuất phát từ thực tế, vì lợi ích của dân và tôn trọng, phát huy mọi sáng tạo của cơ sở, của nhân dân.
NGƯỜI TỔNG CÔNG TRÌNH SƯ - NHỮNG CÔNG TRÌNH NÂNG TẦM ĐẤT NƯỚC
Đại hội toàn quốc lần thứ VI năm 1986 của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện. Đây là cột mốc lịch sử trọng đại, trong lúc nước ta vẫn ở trong tình trạng khó khăn nhiều mặt, cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp vẫn còn dai dẳng, tư tưởng đổi mới chưa thể đi ngay vào đời sống. Sau Đại hội, với trọng trách là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng và tiếp đó là Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã là người có sứ mệnh cùng Ban lãnh đạo cụ thể hóa và đưa đường lối đổi mới của Đảng vào thực tiễn đời sống, trong phạm vi cả nước. Là người đứng mũi chịu sào, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đứng ra tổ chức, lôi cuốn cả tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi tập thể cùng tiến hành công cuộc đổi mới. Với cương vị là một trong những người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có một tầm nhìn chiến lược để phát triển đất nước trên mọi phương diện từ kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, ngoại giao, quốc phòng, an ninh... Tầm nhìn này được cụ thể hóa bằng những kế quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Xuất phát từ thực tiễn, tranh thủ tối đa những ý kiến của đội ngũ chuyên gia, dựa trên những kinh nghiệm đổi mới đã tiến hành ở thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cùng tập thể lãnh đạo đề ra nhiều chính sách đổi mới mạnh mẽ về kinh tế như xóa bỏ chỉ tiêu pháp lệnh, trao quyền tự chủ cho xí nghiệp quốc doanh, trong đó có quyền xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu nguyên vật liệu, chấm dứt tình trạng hai giá, bỏ ngăn sông cấm chợ, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa; chuyển dần nền kinh tế từ quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường. Điều này thể hiện rõ trong hai luật quan trọng là Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty cổ phần(được Quốc hội thông qua tháng 12.1990). Hai luật này đã đặt cơ sở cho quy định về kinh tế tư nhân tại Hiến pháp 1992 (được Quốc hội thông qua tháng 04.1992).
Những chủ trương, quyết sách của Chính phủ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt lãnh đạo đã tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, những việc phải làm ngay của toàn bộ nền kinh tế - xã hội. Trong nhiều trường hợp,Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn đóng vai trò là một trong những Tổng công trình sư của nhiều công trình, nhiều dự án lớn, quan trọng của công cuộc đổi mới. Sớm nhất là Chương trình mười năm đầu tư khai thác vùng Đồng Tháp Mười, khu Tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau. Vùng Đồng Tháp Mười là địa bàn bao gồm ba tỉnh Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang. Đây là khu vực nhiễm phèn và mặn rất nặng, hằng năm lại bị ngập lụt, trong khi hầu như không có hệ thống đê điều. Có nơi, mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa, năng suất rất thấp, chưa đạt một tấn trên một héc ta. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã lên kế hoạch và chỉ đạo việc cải tạo vùng đất này. Ông đã trực tiếp lội xuống đồng hỏi thăm kinh nghiệm làm ăn của bà con nông dân,huy động chất xám, trí tuệ của các nhà nông học và thủy lợi như giáo sư Võ Tòng Xuân, Nguyễn Giới, Hồ Chín. Đồng thời ông tranh thủ ý kiến của các vị lãnh đạo địa phương có tâm huyết và kinh nghiệm về nông nghiệp như các ông Sáu Bình, Tư Thanh, Chín Cần, Mười Nhẹ, Bẩy Phong.
Qua nhiều cuộc họp, thảo luận và tiến hành làm thử thì thấy có hai phương án: một là, tìm ra các giống lúa chịu phèn trồng trên đất phèn; hai là tìm cách rửa trôi phèn trên diện tích lớp phèn mỏng, có thể cải tạo.Cả hai phương án này có thể vận dụng tùy vào những diện tích đất cụ thể.Trên cơ sở đó, các địa phương tiến hành triển khai việc đào kênh, đắp bờ,chọn giống và kết quả là năng suất vật nuôi, cây trồng tăng cao.
Lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long là một quy luật tự nhiên. Theo quan điểm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì chiến lược phòng chống lũ phải được hiểu một cách toàn diện, đầy đủ, toàn vùng, khai thác mặt lợi, tiềm năng và né tránh, hạn chế tác hại của nó, chứ chống lũ không phải là triệt tiêu lũ.Những giải pháp chống lũ phải đạt được mục tiêu là đồng bằng sông Cửu Long ngày càng được mở rộng, đất đai được bồi bổ hàng năm, giao thông, thủy lợi, khu dân cư… phải gắn bó, hỗ trợ cho nhau, thúc đẩy nhau phát triển làm cho sản lượng lương thực, thủy sản, cây ăn trái… ngày một tăng.Trên cơ sở tư tưởng chỉ đạo đó, ông đã cho tiến hành triển khai xây dựng hạ tầng thủy nông, đê bao, cống điều tiết nước ở hai vùng ngập sâu là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, trong đó công trình cải tạo, mở rộng kênh Vĩnh Tế là một trọng điểm. Dự án được triển khai bắt đầu từ tháng4 năm 1997. Chỉ trong một thời gian ngắn không đầy 30 tháng, hàng trăm km kênh mương được đào và nạo vét, nhiều cầu cống được xây lắp, cả một hệ thống công trình thủy lợi quy mô lớn, trải rộng khắp vùng ra đời. Không thể kể xiết niềm vui của người dân ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên khi công trình tổng thể được hoàn thành, những con kênh lớn mới đào đưa nước lũ thoát bớt ra biển, đồng ruộng được rửa phèn, thuận lợi cho việc trồng cấy; nuôi hải sản. Người dân sống chung với lũ, hưởng những nguồn lợi của lũ, nhưng vẫn sinh hoạt, đi lại bình thường. Do có kênh, mương điều tiết,thời gian ngập lụt rút ngắn, cho phép mở rộng diện tích ba vụ thêm hàng ngàn héc ta. Cả một vùng đất xưa vốn chỉ trồng cây tràm gió hoặc bỏ hoang,nay trở thành những cánh đồng xanh tươi, đến mùa thu hoạch là biển lúa vàng. Cho đến năm 2000, sản lượng lúa của đồng bằng sông Cửu Long đã là 16,7 triệu tấn (so với năm 1976 có 4,6 triệu tấn). Đây là vựa lúa lớn nhất của cả nước, đóng vai trò chính trong việc xuất khẩu gạo. Thành quả lớn lao trong việc khai thác, cải tạo đồng bằng sông Cửu Long là do sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng và sự nỗ lực của toàn dân vùng châu thổ, trong đó công đầu thuộc về đồng chí Võ Văn Kiệt - người đề xuất ý tưởng và quyết tâm trong việc tổ chức thực hiện.

Trong khi vấn đề cải tạo, khai thác nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long được giải quyết, thì việc cung cấp điện cho các tỉnh phía Nam,đặc biệt là Tây Nguyên và Nam Bộ lại cấp bách đặt ra. Lúc này, Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã vận hành cung cấp đủ điện cho miền Bắc và còn nguồn dư thừa lớn nên Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề xuất phương án làm công trình đường dây 500KW tải điện vào Nam.Ngay từ đầu, dự án đã nhận được không ít ý kiến phản biện, phản bác nhiều khi rất gay gắt. Ý kiến phản biện một cách khoa học thì cho rằng không thể nào có thể tải điện được trên một đường dây quá dài trên 1.500km. Ý kiến phản bác cho rằng dự án này phiêu lưu, mạo hiểm, lãng phí tài nguyên quốc gia, không mang lại hiệu quả kinh tế, chỉ nhằm đánh bóng cho tên tuổi cá nhân… Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp thu mọi ý kiến và bắt tay vào việc huy động trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng dự án này. Sau khi có đủ luận cứ khoa học và phương án khả thi, năm 1992, Chính phủ tiến hành khởi công dự án, với một sự kiên định và ý chí quyết tâm cao.Để hoàn thành kế hoạch, Chính phủ đã huy động tổng lực, các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông, Bộ Năng lượng, Đoàn Thanh niên…cùng các địa phương. Là người đóng vai trò như là một “tổng công trình sư” của Dự án này, Thủ tướng đã theo sát, chỉ đạo một cách quyết liệt.Hằng tháng, ông cho tổ chức giao ban về tiến độ công trình, những vấn đề phát sinh, khó khăn đều được ông trực tiếp chỉ đạo giải quyết ngay, nhất là những vấn đề về cơ chế. Ông đã trực tiếp đến tận những nơi thi công công trình, kể cả những điểm khó khăn, nguy hiểm nhất như lên đỉnh đèo Lò Xo (địa bàn giáp ranh giữa Kon Tum và Quảng Nam) để kiểm tra, đôn đốc và thăm hỏi, động viên những người lao động trên công trường. Chính vì thế mà công trình hoàn thành sớm hơn kế hoạch những hai năm. Có thể nói đây là một trong những công trình mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành tâm huyết, bỏ ra bao tâm lực, trí tuệ, quyết đoán để thực hiện và có thể đánh đổi bằng cả sinh mệnh chính trị của mình khi ông tuyên bố: “Đóng điện không thành công, tôi xin từ chức!”.
Với tầm vóc và quy mô to lớn, đường dây tải điện Bắc - Nam là một công trình trọng điểm và là biểu tượng của công cuộc đổi mới. Đây thực sự là xương sống của lưới điện quốc gia, có ý nghĩa chiến lược về năng lượng của toàn quốc. Từ khi công trình được đưa vào vận hành đã phát huy hiệu quả kinh tế, cung cấp đủ điện cho các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh tạo cho các tỉnh thành sức bật mới, phát triển mạnh mẽ, trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Đây cũng chính là công trình in đậm dấu ấn sáng tạo, quyết đoán và xả thân của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cũng trong những năm đó, các công trình điện năng lớn như Trị An, Thác Mơ, Hàm Thuận, Phú Mỹ, Cà Mau; các công trình giao thông quan trọng như đường Trường Sơn - con đường của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, giảm tải cho quốc lộ 1A; cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, Láng - Hòa Lạc, cầu Mỹ Thuận, v.v… được lần lượt hoàn thành. Việc xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất dẫn đến những bước chuyển mình của ngành Dầu khí. Các ngành như Viễn thông, Hàng không; các Tổng công ty lớn của nhà nước; các cơ sở hạ tầng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa... được hình thành và phát triển. Tất cả đều mang đậm dấu ấn khai mở, trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện của Chính phủ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng đầu.
Cùng với việc chỉ đạo phát triển kinh tế, Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn dành nhiều tâm huyết trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, về một nền giáo dục và đào tạo đổi mới. Ông là người thực hiện chủ trương sắp xếp lại mạng lưới các trường Đại học và Cao đẳng và là người trực tiếp kí Nghị định thành lập hai Trường Đại học Quốc gia ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - hai trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, kĩ thuật lớn nhất của cả nước. Việc thành lập Đại học Quốc gia tạo ra những trung tâm Đại học mạnh, chất lượng cao, có sứ mệnh đào tạo ra một đội ngũ những con người có tâm và có tài đáp ứng được yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực hiện đường lối đối ngoại đổi mới của Đảng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người tiên phong triển khai quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế.Trong bối cảnh phức tạp của tình hình quốc tế lúc đó, việc lựa chọn hướng đột phá trong giao lưu quốc tế là vô cùng quan trọng. Trước hết, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chọn cách tiếp cận với các nước trong khối ASEAN bằng những cuộc viếng thăm rất đúng thời điểm của ông. Với nụ cười cởi mở,tác phong tự tin và nhanh nhẹn, đi đến đâu, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng mang đến các nước ASEAN hình ảnh một nước Việt Nam thân thiện, chân thành, muốn được làm bạn với các nước, cùng tồn tại hòa bình, cùng hợp tác và phát triển. Sự tích cực, chủ động trong hoạt động đối ngoại của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đem lại kết quả tốt đẹp: tháng 07.1995, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của khối ASEAN, đánh dấu một mốc trong quan hệ quốc tế của nước ta ở Đông Nam Á, tạo điều kiện cho công cuộc phát triển đất nước.
Trong bối cảnh phức tạp của tình hình quốc tế, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trương một chính sách đối ngoại cân bằng, vừa hội nhập với khu vực vừa mở rộng ra thế giới bằng việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (năm 1991) và xúc tiến đẩy mạnh tiến trình bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, khối EU và

tham gia các tổ chức Quốc tế. Trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Ở thời điểm khó khăn là lúc dư luận Mỹ dấy lên nghi ngờ rằng Việt Nam còn giam giữ tù binh Mỹ và lên án Chính phủ Mỹ đã không làm hết sức mình trong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam thì Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (lúc đó) Võ Văn Kiệt đã chấp thuận yêu cầu trả lời phỏng vấn của tạp chí TIME (bài phỏng vấn được đăng trên số báo ra từ ngày 7 đến ngày 13.1.1992). Trong bài trả lời phỏng vấn ông dứt khoát khẳng định: “Việc nghi ngờ Việt Nam vẫn còn giam giữ một số tù binh Mỹ là điều hết sức ngớ ngẩn. Việt Nam không có động cơ gì để làm điều đó”. Lời khẳng định của ông đã xóa tan mối nghi ngờ trong dư luận Mỹ. Và những lời tâm tình chân thật của ông: “Ở Việt Nam có hàng chục ngàn gia đình có người thân mất tích. Tôi cũng là một nạn nhân. Gia đình tôi có bốn người, vợ và ba con của tôi, bị mất tích trong chiến tranh. Tôi có thể thấu hiểu được nỗi đau của tất cả các gia đình Mỹ có người thân bị mất tích trong chiến tranh. Chúng tôi xin mời bất cứ người nào nghi ngờ còn người Mỹ sống ở Việt Nam hãy đến Việt Nam để tìm hiểu” đã lấy được cảm tình của người Mỹ và cũng là một thông điệp của Việt Nam muốn bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Sau đó, thông qua mối quan hệ thân tình với Thượng nghị sĩ John Kerry, ông đã viết thư cho Tổng thống Bill Clinton. Những nỗ lực ngoại giao của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã góp phần to lớn vào việc thúc đẩy quá trình đi tới bình thường hóa quan hệ hai nước. Đến đầu năm 1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam.
Do sự bền bỉ, khéo léo cùng với những động thái ngoại giao chân thành nên năm 1995, nước ta bội thu thắng lợi ngoại giao: Việt Nam gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, ký Hiệp định khung hợp tác với Liên minh Châu Âu EU, tăng cường mối quan hệ với Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan, Anh, Đức,... Chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Chính phủ, do Thủ tướng Võ Văn Kiệt triển khai đã củng cố, tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ của nước ta với thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
Còn có thể dẫn ra những thành quả ở nhiều lĩnh vực dưới sự tổ chức,chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng chỉ qua những sự kiện nói trên,có thể thấy ở tầm quốc gia, những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới là công sức chung của toàn Đảng, toàn dân, đồng thời cũng gắn với tên tuổi và sự nghiệp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong thời kì này, đất nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, tình trạng cấm vận, đời sống nhân dân dần ổn định và ngày được nâng cao, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh, và Việt Nam bước vào thời kì mới, vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.
Một trong những dấu ấn đậm nét nữa mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại chính là quan niệm và thái độ nhân văn đối với con người. Điều này được thể hiện trước hết là việc chăm lo đến đời sống của người dân. Công cuộc đổi mới đã dần từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, nhưng có một bộ phận người nghèo - những hộ thu nhập thấp, chạy ăn từng bữa -trên thực tế được hưởng thụ rất ít các kết quả tăng trưởng, trong khi họ gần như lãnh trọn hậu quả do lạm phát và ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy,Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi khảo sát nhiều nơi và thấy một tỷ lệ không nhỏ những người dân sống kham khổ, vất vả. Ông đánh giá cao những hoạt động từ thiện, nhưng theo ông, từ thiện không thay thế được chính sách.Ông chủ trương, khi đầu tư phát triển, một mặt, không thể thiếu những giải pháp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, gìn giữ bản sắc văn hóa, mặt khác phải có chính sách để người nghèo, đặc biệt là nông dân, bà con các vùng nông thôn, vùng dân tộc… không bị gạt ra bên lề tiến trình phát triển,nhất là khi xây dựng các khu đô thị, nhà máy trên ruộng đất lâu đời của họ.
Ông cho rằng, nhà nước tạo điều kiện cho người có năng lực, có khát vọng có thể làm giàu tối đa, nhưng cũng không bỏ mặc những người nghèo không có khả năng tự bươn chải. Vì vậy, đầu tư của Nhà nước cũng phải đồng bộ,bao gồm các công trình phúc lợi như y tế, giáo dục, văn hóa… Đồng thời cũng cần sớm hoàn thiện các thiết chế như bảo hiểm y tế, quỹ trợ cấp, tín dụng giáo dục cho người nghèo ở cả đô thị và nông thôn. Ông nhấn mạnh, việc chăm lo cho người nghèo không đơn giản chỉ là thực hiện một cam kết có tính lịch sử, mà còn là bảo vệ tôn chỉ, mục đích của một Đảng cách mạng luôn nhận mình đứng về phía nhân dân.
Khi tiến hành cải cách, đổi mới, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng phải chú trọng đến nguồn tài nguyên lớn nhất của quốc gia là tài nguyên con người. Công cuộc đổi mới lúc này không chỉ dựa vào nhiệt tình và ý chí mà phải dựa vào kiến thức, học vấn; không thể có vị lãnh đạo nào có thể hiểu biết tất cả mọi vấn đề mà cần phải dựa vào trí tuệ của quần chúng nhân dân, tiêu biểu là đội ngũ chuyên gia các ngành. Muốn phát huy nguồn lực chất xám quý giá, trước hết phải trân trọng giới trí thức, tin dùng những người tài.
Chính vì những quan niệm như trên, cho nên khi làm Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt đã sớm thành lập Văn phòng kinh tế của Bí thư Thành ủy gồm nhiều chuyên gia kinh tế, trong đó, có những người vốn đã từng làm việc trong chế độ Sài Gòn cũ, đứng đầu là Thống đốc ngân hàng, Phó thủ tướng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh. Sau đó, còn thành lập “Nhóm thứ sáu” (do Nhóm thường sinh hoạt vào thứ 6 hằng tuần) bao gồm cả những chuyên gia kinh tế nổi tiếng thời Việt Nam Cộng hòa như Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng, Trần Bá Tước, Phan Tường Vân… Khi ra công tác ở Trung ương, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thành lập “Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính” (gọi tắt là “Tổ tư vấn cải cách”) bao gồm những chuyên gia về kinh tế và pháp luật, trong đó có 3 giáo sư đang sống và làm việc ở nước ngoài như Vũ Quang Việt (ở Mỹ), Trần Quốc Hùng (ở Đức) và Trần Văn Thọ (ở Nhật). Do trân quý tài năng, chân thành lắng nghe ý kiến của họ (kể cả những ý kiến“trái tai mình”) nên ông đã thu phục được lòng người, phát huy được trí tuệ,tài năng và tâm huyết của cả một đội ngũ chuyên gia cho công cuộc đổi mới.
Cũng như đối với đội ngũ trí thức, giới văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn cũng là những người được đồng chí Võ Văn Kiệt dành cho sự quan tâm đặc biệt. Với tấm lòng cởi mở, chân tình, ông đã thân mật, gần gũi, lắng nghe tâm tư của họ; có những khi cùng các nhà văn như Nguyễn Quang Sáng bình văn, nghe Nguyễn Duy đọc thơ… Năm 1978 - 1979, ông đã từng ngồi sau một bức màn ngăn giữa hai phòng ở báo Tuổi trẻ (Trụ sở lúc đó ở 12Duy Tân) để nghe các ca sĩ, nhà báo nói về tình hình không bình thường trong sinh hoạt âm nhạc của thành phố sau giải phóng. Sau khi bí mật nghe được những tâm tư, bức xúc của họ phản ánh nguyện vọng chính đáng của nhân dân, ông đã cho mở những tụ điểm ca nhạc phục vụ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng. Trong một số trường hợp, ông còn đứng ra bảo lãnh cho những tác giả, tác phẩm được xem là“có vấn đề” như vở kịch “Hà My của tôi” của soạn giả Lê Duy Hạnh (Đoàn kịch nói Hà Nội) bị đánh giá khá nặng nề vì phản ánh những tiêu cực trong công tác tổ chức, cán bộ; vở múa “Hạn hán và cơn mưa” của nghệ sĩ Pháp gốc Việt Ea Sola Nguyễn Thủy. Những tác phẩm này đều được công chúng hoan nghênh, đánh giá cao về chất lượng, nội dung và nghệ thuật. Những sự quan tâm, chia sẻ của ông đã động viên, tiếp sức thêm cho các nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm phục vụ công chúng và làm phong phú thêm cho đời sống văn hóa, nghệ thuật.
Trong suốt tiến trình đổi mới, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn tin tưởng và phát huy tinh thần cách mạng của thế hệ trẻ. Ngay những năm đầu mới giải phóng, câu nói nổi tiếng của ông “Không ai chọn cửa mà sinh ra” đã góp phần hóa giải những mặc cảm nặng nề của nhiều thanh niên vốn là con cái của các gia đình tư sản, con em sĩ quan, công chức… của chế độ cũ, tạo cho họ niềm tin, nhận rõ tương lai của mình. Chính câu nói đầy tính nhân văn của ông mà bao thanh niên đã hăng hái, xung phong tham gia phong trào “Thanh niên xung phong khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh”. Họ đã tình nguyện lên đường đến các công trường thủy lợi, khu kinh tế mới Lê Minh Xuân, Phạm Văn Cội, Phạm Văn Hai với khí thế hừng hực và đã lao động, sáng tạo đem lại những thành quả kinh tế,xã hội to lớn.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt là vị lãnh tụ luôn đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ. Điều này, thể hiện ở nhiều phát biểu và những việc làm của ông. Chẳng hạn, khi xây dựng đường điện cao thế 500kV Bắc - Nam, thì ông cho huy động lực lượng chủ lực là thanh niên trong xây dựng cột, kéo dây. Có những đoạn, ông giao hẳn cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc Thanh niên xung phong Đà Nẵng thực hiện. Hình ảnh thanh niên quây quần bên ông trên đỉnh núi, mừng thắng lợi dưới chân cột điện cao thế vừa được khánh thành tiêu biểu cho sự gắn bó thân thương, gần gũi của vị Thủ tướng với thế hệ trẻ. Ông còn giao cho Trung ương Đoàn chủ trì thực hiện dự án chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Ông rất hoan nghênh, ủng hộ việc thành lập Quỹ hộ trợ tài năng trẻ do Trung ương Đoàn đề xuất và nhận làm Chủ tịch danh dự. Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính là vị lãnh tụ truyền lửa nhiệt huyết cho tuổi trẻ thời kì đổi mới.
Đã có nhiều ý kiến đánh giá cao những đóng góp xuất sắc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp đổi mới, trong đó, có lẽ, ý kiến của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (người làm Thủ tướng Chính phủ 32 năm) là tiêu biểu: “Đánh giá đúng mức và khách quan thì trong các đời Thủ tướng Việt Nam, kể cả tôi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người làm được nhiều việc nhất cho dân tộc, cho đất nước’’. Dư luận quốc tế cũng đánh giá rất cao vai trò, tầm vóc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Năm 2008, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần,nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki moon đã bày tỏ tình cảm với người đã khuất với lời tôn vinh: “Là một động lực quan trọng thúc đẩy cải cách kinh tế ở Việt Nam những năm 80, ông Võ Văn Kiệt đã mở đường để đất nước chuyển đổi từ đói nghèo sang một thập kỉ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục”. Những lời đánh giá nói trên đã là sự khẳng định dấu ấn rất đậm nét, rất sâu sắc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong lịch sử thời kì đổi mới.
Đổi mới là đường lối của Đảng nhằm đưa nước ta vượt qua những khó khăn và thử thách hiểm nghèo. Trong bài “Dấu ấn Võ Văn Kiệt trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đức Lương bày tỏ suy ngẫm: “Đã có lúc tôi tự đặt câu hỏi giả định: nếu trong 10 năm đầu đổi mới, đường lối đổi mới của Đảng không đi vào cuộc sống, không thành công thì điều gì sẽ xảy ra ở nước ta?”. Câu hỏi này cũng chính là sự khẳng định vai trò quan trọng và công lao to lớn của Chính phủ Việt Nam thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà ông là người thuyền trưởng đứng mũi chịu sào, vững tay chèo lái con tàu đổi mới vượt qua thác ghềnh, bão tố đến bến bờ thắng lợi.
Không chỉ để lại những dấu ấn đậm nét trong những thành tựu lớn lao của công cuộc đổi mới, Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn để lại những ấn tượng sâu sắc về nhân cách, bản lĩnh và phong cách lãnh đạo của mình.Ông Sáu Dân đã suốt đời vì nước, vì dân. Tấm lòng nhân hậu, sự chân tình đã kết nối tình cảm của ông với bao người. Những lời tâm huyết của ông về hòa hợp dân tộc đã gây xúc động cho hàng triệu con tim. Nhãn quan sắc sảo, nhìn xa, thấy rộng; sự nhạy bén, linh hoạt, xông xáo, táo bạo, nhiều khi bứt phá, quyết đoán, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm... là những yếu tố kết tinh làm nên bản lĩnh và phong cách lãnh đạo của ông.
Suốt bao nhiêu năm lăn lộn ở chiến trường lãnh đạo kháng chiến, ông đâu có dịp được học tập, nghiên cứu về kinh tế và cũng không được kinh qua công tác lãnh đạo, quản lý Nhà nước. Là một cán bộ kháng chiến, vừa đi ra từ cuộc chiến tranh, nhưng khi được Đảng giao phó,ông đã đứng ra gánh vác một trọng trách là tổ chức, thực hiện công cuộc đổi mới. Ông chính là người có công đầu trong việc xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp, đánh thức mọi tiềm lực của đất nước,khởi động nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là công việc vô cùng mới mẻ, chưa hề có tiền lệ nhằm đưa đất nước thoát
khỏi thử thách hiểm nghèo và đặt nền móng vững chắc cho đất nước bước vào giai đoạn hội nhập và phát triển. Sau một thập niên xả thân và kiến tạo, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh trọng đại của mình và ông đã đi vào lịch sử như một hiện tượng đặc biệt.Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại những dấu son sâu đậm trong lịch sử thời kỳ đổi mới và ông là một tấm gương sống mãi cùng sự nghiệp đổi mới của Đảng và của nhân dân ta. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về những đóng góp, những cống hiến to lớn của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, nhưng cần có những công trình tập trung kiến giải thêm những yếu tố gì đã kết tinh nên một nhà lãnh đạo xuất sắc Võ Văn Kiệt. Làm sáng tỏ điều này cũng là để giải mã được tiềm lực vô tận của con người Việt Nam.
* TS. NGUYỄN HOÀI THANH *