Toàn cảnh hội thảo
Ngành thuế: Phát triển các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp
Chia sẻ về kết quả chuyển đổi số ngành Thuế, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính, cho biết, với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện.
Tổng cục Thuế xác định mục tiêu chiến lược là cần phải cung cấp dịch vụ điện tử và các công cụ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp để giúp người nộp thuế tham gia quá trình chuyển đổi số. Về phát triển các ứng dụng phục vụ người dân và DN, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, xác định chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, gồm triển khai hóa đơn điện tử, triển khai các dịch vụ Thuế điện tử, triển khai dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động và Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài, tkhai tích hợp hệ thống với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong đó, đối với triển khai hóa đơn điện tử, đến hết ngày 30/6/2022, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai theo hiệu lực của Luật Quản lý thuế. Tính đến hết tháng 10/2022, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 1,8 tỷ hóa đơn trong đó có hơn 508 triệu hóa đơn có mã và hơn 1.342 triệu hóa đơn không mã.
Về triển khai các dịch vụ Thuế điện tử, Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, 99% doanh nghiệp trong tổng số hơn 870.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử. Ngành Thuế đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử nhằm hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi không những tạo thuận lợi cho người dân mà còn góp phần hạn chế tiếp xúc xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
ông Lê Đức Thành, Cục trưởng Cục CNTT&TK hải quan phát biểu tại Hội thảo
Ngành Hải quan: Đẩy mạng ứng dụng Công nghệ thông tin trong các mặt công tác
Cũng tại Hội thảo, chia sẻ kết quả trong chuyển đổi số ngành Hải quan, ông Lê Đức Thành, Cục trưởng Cục CNTT&TK hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, ngành Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng hiệu quả; Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng đã đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Trong đó, chia sẻ về kết quả thực hiện thủ tục hải quan hoàn toàn bằng phương thức điện tử (E-Declaration), đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, cùng với sự phát triển nhanh của kinh tế đất nước, khối lượng công việc của Tổng cục Hải quan đã tăng lên một cách nhanh chóng.
Nhờ ứng dụng CNTT, việc làm thủ tục hải quan của doanh nghiệp được diễn ra thuận lợi, liên tục, nhanh chóng. Theo đó, CNTT đã trở thành công cụ quan trọng để Tổng cục Hải quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đề ra.
Đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 1 - 3 giây.
Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) trung bình mỗi năm tăng 23%, số thuế XNK thu được trung bình mỗi năm tăng 9,2%; số lượng tờ khai XNK trung bình mỗi năm tăng 22% trong khi đó, số lượng cán bộ, công chức hải quan giảm theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng triển khai mạnh mẽ thanh toán điện tử (E-payment). Từ năm 2012, cơ quan Hải quan đã kết nối với các hệ thống công nghệ thông tin của các Ngân hàng thương mại và Kho bạc nhà nước để thực hiện thanh toán điện tử (E-payment). Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn lực triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7.
Theo đó, doanh nghiệp có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, kết nối internet; đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác; giảm thời gian nộp thuế, đồng thời thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan. Đế nay, số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt 98,4% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan.
HD